Chào


Nếu tình cờ bạn đọc bài mà cảm thấy nhẹ nhõm người hay mỉm cười thì ta rất phấn khởi. Hihi

**

1

2


Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Kỳ cục

Bữa hổm ta đi siêu thị mua 1 chai dầu gội đầu, giá in trên chai là 49k nhưng tới quầy tính tiền là giá tới 53k, ta thắc mắc thì nhân viên tính tiền giải thích là giá trên bao bì là 1 chuyện, giá bán lại là chuyện khác, hay thiệt đó,  ta nhẩm ra là món đó người ta cộng thêm thuế giá trị gia tăng 10% 1 lần nữa thành 53k. Vô duyên thiệt, ta trả lại hàng ngay, tuy vài ba ngàn không đáng là bao nhưng vì ta ghét cái thói gian lận, ta mua chỗ người quen có khi họ còn bớt tiền so với giá in trên bao bì nữa chẳng qua tiện thì mua luôn. Nói tới thuế GTGT ta lại thắc mắc sao lại gọi giá trị gia tăng há, cộng thêm tiền phải gọi giá tiền gia tăng hay giá cả gia tăng chớ bộ, cũng có thể gọi đơn giản là giá gia tăng, gọi giá trị ta thấy nó mị mị như thế nào đó. Hay nói kiểu khác là thuế cộng thêm vào giá, ta không phải là người hán rộng nên cứ thấy add ta gọi là cộng, hihi. Sực nhớ tới bài này, hihi. Mới đây đi siêu thị đó mua 1 cây giấy vệ sinh thấy giá trên kệ bày hàng là 27k, còn trên bao bì không dán giá, ta tưởng khuyến mãi. Về tới nhà tình cờ coi lại mới thấy giá là 31.9k, xạo thiệt đó. Đó là ta mới để ý vài mặt hàng, còn bao nhiêu cái ta không để ý thì sao há. Đó là ta keo kiệt quá nên mới để ý kỹ vậy, còn mấy người khác thì sao ta, sẽ có rất nhiều người không chú ý vì họ nghĩ rằng siêu thị là hàng hoá chất lượng, giá tính đúng, có máy móc làm sao sai. Ta không biết có thể gọi cái đó là gian được không há.

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Số phận

Người khách hàng hỏi : Uyeen không nhớ mình sao, học cùng lớp phổ thông đó mà. Nghĩ mãi không ra, cái vùng nhớ mặt người của ta kém thật, hình như bị lỗi ở nơi đó hay sao. Phải hỏi lại lại mấy chi tiết mới nhớ. Ngày ấy, bạn ấy học cực giỏi, là học sinh giỏi quốc gia ( môn toán, lý gì đó ta quên mất rồi), được chọn đi ôn thi học sinh học giỏi quốc tế. Tập trung được cỡ 1 tuần lễ thì lại bị mang giỏ xách về, lý do : con sĩ quan ngụy nên không được chọn, lỡ thi rồi trốn ở nước ngoài thì sao. Cũng không được học đại học, phải đi làm thợ, bây giờ làm chủ 1 cơ sở. Nhớ tới chuyện 1 người anh họ, thi đại học 29/30 điểm cũng không được đi học vì lý lịch : cha là lính nguỵ. Sau đó ở nhà làm ruộng, không đủ sống nên làm đủ thứ nghề. Nếu những người giỏi như vậy mà được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ thì xã hội ta chắc tiến xa lắm rồi. 

Không biết có phải con người ta có số không, ráng cũng không qua khỏi số. Một thời thiển cận như vậy làm mất đi bao nhiêu con người tài giỏi của đất nước. Ông bà nói : cái đầu tới vạt áo thì nghĩ không qua khỏi đũng quần.

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Nam hay bắc

Người ta hay phân biệt người bắc, người nam.  Ta thấy rằng ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có kẻ khùng người điên, hihi. Nói vậy thôi chứ ta cũng thấy người bắc nói chung có những đặc tính kỳ kỳ, ta nghĩ do bao nhiêu thế hệ sống trong thời bao cấp nên nó đã hằn in trong đầu con người ta một cách ứng xử xin cho. Ở vị trí này ta là người xin, người khác là kẻ cho nên ta ráng nhịn nhục chịu đựng để được phần ta. Nhưng ở vị thế khác ta là kẻ cho, họ lại là người xin, lúc ấy thì biết tay ta. Ta sẽ lại hành hạ mi như mi đã từng hành hạ ta, nếu việc quan trọng thì ta sẽ hành hạ nhiều hơn cho mi phải lạy lục, xin xỏ đến khi không còn nhân cách 1 con người ta mới cho. Có thể vì môi trường như vậy nên đã hình thành nên tính cách của người ta, người ta sẵn sàng tìm mọi cách hành hạ người khác, không còn tình người là vậy. Còn ở miền trong này thời gian chịu cơ chế xin cho ít hơn nên con người ta đỡ hơn chăng. 

Nhớ 1 chuyện, có cô bé kia bảo rằng : em ghét người Huế lắm, người Huế đểu, ta cười : ghét của nào trời trao của đó, mai mốt lấy trúng 1 thằng Huế cho mà coi, ta còn giải thích nhăng cuội nữa nghe rất chi là thuyết phục, nó sợ quá nói : vậy thôi từ nay em thương người Huế, ta mắc cười : vậy thương thì lấy, đơn giản thôi mà, nó lúng túng vậy thôi em không thương, không ghét. Hihi, đúng đó người nào cũng có người đáng thương, người đáng ghét. 

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Chuyện học trò

Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

Ngày nhỏ, lớp ta rất nghịch. Có một lần đi lao động về, cả lớp ta ngồi nghỉ trên đồi. Bạn nào đó đem mấy trái mít ra mời cô giáo cùng cả lớp ăn. Ăn gần xong, tự nhiên 2 bạn nắm tay cô giáo kéo chạy : cô ơi, chạy, chạy đi cô. Cô giáo chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao do bị lôi đi nên cũng chạy thục mạng. Được một quãng xa, cả lớp ngừng lại cô giáo mới hỏi : chuyện gì vậy ? thì nghe trò trả lời : ăn cắp mít, mít hồi nãy là ăn trộm đó cô, nên người ta rượt chạy. hahaha. Mà ăn trộm cũng không chừa nhà ta, nhà ta có cây mận, một mùa kia có 1 chùm mận rất đẹp, ráng để dành cho chín rồi ăn, sáng hôm ấy ta ra nhìn thì thấy đâu mất, vừa tiếc vừa bực. Vừa bước chân vào lớp thì nghe mấy bạn trai nói : mận nhà uyeen ngon ghê. Trời, hết biết nói gì.

Có một bữa, cả lớp ta trốn học, không sót 1 ai. Trốn học để đi chơi long nhong, kéo cả đám về vườn nhà 1 bạn, 2 tiết học liền kề chỉ trốn 1 tiết. Khi về, cả lớp bắt ta phải lên xin lỗi cô vì đã nghỉ không xin phép với lý do là đi đưa tang người thân, trời ơi, sao mà tụi ta ngu dễ sợ. Một bạn còn nói, bà tao chết rồi nên nếu cô giáo có vặn vẹo thì nói là đưa tang bà tao, còn không vặn vẹo thì thôi. Sở dĩ cả lớp bắt ta lên xin lỗi, tuy ta không làm chức gì trong lớp, vì ta hiền nhất lớp mà lại học giỏi nên thường được thấy cô cưng nhất. Chắc cô giáo nhìn mặt ta lúc đó thấy buồn cười quá nên cũng bỏ qua, chỉ nhắc nhở rằng lần sau có đi đâu thì phải xin phép chứ không được tự tiện làm như vậy, lần này là lần cuối cùng cô tha thứ. Mà không ít lần vậy, có trốn học, hay không làm bài tập hay không nộp đồ dùng học tập là y như rằng mọi người đè đầu ta bắt ta lên xin lỗi. Vì rằng thấy lần nào ta xin lỗi cũng trót lọt nên nghiễm nhiên mọi người đều đẩy cho ta.  Mà lớp ta đã làm gì thì cả lớp làm, không ai được trốn tránh. hihi

Ngày đó, ta học lớp thường, đến ngày khai giảng năm tới ta lon ton xách cặp vào lớp cũ thì thấy trong danh sách không có ta, ngạc nhiên quá đỗi chẳng lẽ ta ở lại lớp, mới bước chân ra định chạy lên phòng thầy hiệu phó hỏi thì thấy thầy dạy ngoại ngữ nói, năm nay uyeen vào học lớp thầy. Ta năn nỉ thầy ơi em hỏng học lớp chuyên đâu, thầy giáo bảo: em lên hỏi thầy hiệu phó chứ thầy không biết đâu. Ta đi thẳng lên phòng thầy hiệu phó, thì thầy trả lời : tuỳ em, học bạ, danh sách thầy đã chuyển lên lớp đó hết rồi, em muốn học hay không thì tuỳ. Trời, ta ngậm ngùi chào thầy rồi về vì biết nói chi đây, ai cũng ráng xin vào lớp chuyên có 1 mình ta kỳ cục xin ra khỏi lớp chuyên. Vì ta thấy học nhiều mệt quá, haha, tuy vậy qua lớp mới ta cũng đứng đầu. Lúc nào ta đi học ta cũng ôm cặp vào là ngồi ngay chỗ bàn đầu ngay giữa đường đi phía bàn giáo viên, y như rằng đó là chỗ của ta, và chẳng 1 ai thèm giành chỗ đó, nên coi như tự ta xếp chỗ ngồi cho ta. Ngồi ở đó thấy rõ, nghe giảng rõ ràng, xung phong dễ thấy, lên nộp bài cũng dễ, ai mà copy thì thầy cô dễ bắt. Nhớ chuyện copy bài, ta làm bài không được thì thôi chứ không thèm copy của ai, ta làm bài được ai muốn copy ta cho coi thoải mái, vậy nên có một số thầy cô mỗi khi làm bài kiểm tra hay thi đều bắt ta lên ngồi bàn giáo viên để khỏi phải canh chừng ta. Haha

Chuyện vào nhầm điểm thấy báo chí đăng ì xèo làm ta nhớ lại cảnh của ta. Sao mà ta xui thiệt, chắc trời thử thách ta. Có lần thi học kỳ môn lý ta được 7.5 điểm mà tụi bạn ngồi cạnh ta copy bài ta toàn điểm cao 8, 9 điểm. Vì thi tập trung và không phát bài thi nên ta không biết làm sao. Sau khi ta biết điểm tổng kết cả năm, và đã vào học bạ thì mới phát bài thi thì ta mới biết là phần lý thuyết được 2.5 điểm mà thầy/cô quên cộng điểm nên ta mất ngon ơ 2.5 điểm này, cầm bài thi lên khiếu nại thì thầy bộ môn bảo do thi tập trung nên thầy không chịu trách nhiệm, hướng dẫn ta lên gặp ban giám hiệu. Thầy hiệu phó thì nói rằng để xem xét, sau đó thầy gọi ta lên nói là do đã vào học bạ nên sửa sai rất khó, em thông cảm dù gì thì trung bình các môn của em cũng cao nhất lớp rồi. Ta thấy ù tai, ráng không khóc oà lên. Có lần thi môn toán cũng vậy, nhưng lần này là ta bị chấm sót mất 1 câu, câu này khó nhất để lấy điểm tuyệt đối. Khi thầy giáo giải bài thi ta thấy ta đúng mà sao có 9 điểm nhưng vì không có bài thi trong tay nên không khiếu nại được. Cũng vậy đến lúc phát bài thì sổ sách đã xong ta cầm bài lên hỏi thầy câu này ta làm có sai không thì thầy giáo bảo đúng. Lúc đó ta mới hỏi thầy sao lại không chấm điểm câu này của ta thì thầy nhiệt tình hơn, nhận bài thi của ta rồi hứa sẽ làm việc với ban giám hiệu về trường hợp của ta. Cuối cùng ta cũng nghe được câu trả lời như vậy. Mà sao ta xui thiệt bị nhiều lần như vậy, nhưng cũng có lần phát bài trước khi cộng điểm thì còn sửa được, thậm chí có lần vì điểm số cả khối lớp thấp quá nên ban giám hiệu quyết định cộng 2 điểm/ bài thi, bài ta được 9 điểm nên bị cộng có 1 điểm hà chẳng lẽ 11 điểm, nhưng ta cũng thắc mắc với cô dạy toán ta, vậy là cô cộng thêm điểm cho bài kiểm tra, kiểm tra miệng cho công bằng. Thậm chí thi tốt nghiệp cấp 3, thầy ở sở giáo dục vào điểm ở bằng tốt nghiệp của ta còn bị nhầm, ta thắc mắc thì thầy hiệu phó hướng dẫn lên sở giáo dục hỏi vì đó là do sở. Khi gặp thầy giáo vào điểm ta nhầm thì thầy khăng khăng không nhầm, còn nạt ta nữa, ta sém 1 chút nữa là khóc vì không biết nói lại làm sao. May làm sao trong phòng lúc ấy có 1 thầy bảo ta đưa bằng cho thầy coi, coi xong thì thầy bảo đồng nghiệp rằng ông ơi, nhầm rồi tôi mới phát bằng khen học sinh giỏi cho em này cách đây mấy hôm mà sao ông cho có 4 điểm vậy, coi lại giùm nó đi. Ta mừng hết lớn luôn, lúc đó thầy đó mới chịu xem lại, và ta nghe ông ta lẩm bẩm rằng lấy thước đo mà sao lệch được ta, mấy chục năm rồi mà ta vẫn nhớ chắc là vì ta nhỏ mọn quá, haha. Không biết có ai được nhận điểm của ta không, nếu mà nhận được điểm của ta thì chắc họ im luôn vì điểm ta cao nhất phòng thi. Chắc là năm đó chỉ có bằng tốt nghiệp của ta viết tay, còn tất cả các bằng tốt nghiệp khác đều đánh máy. Thường mấy lần đó ta nhớ vì tức lắm, ráng nín không khóc chứ không thôi chắc khóc dữ lắm. Còn nhầm ít ít thì ta quên hết rồi. Nhờ những lần được giải quyết tới nơi tới chốn mà ta cảm thấy còn được an ủi vì thấy cuộc đời vẫn công bằng. Thường những việc đó ta tự đi làm, tự lên gặp thầy, ban giám hiệu, sở giáo dục... khi nào mà không tự giải quyết được ta mới mét người lớn ở nhà. Nghĩ lại sao mà lỳ thiệt. Sau này ta thi chứng chỉ ngoại ngữ cũng có lần bị vậy. Điểm ta cao nhất đợt thì và đáng được xếp loại giỏi, khi phát chứng chỉ trung tâm có thưởng cho người điểm cao nhất 1 số tiền nhiều hơn cả số tiền nộp để dự thi. Ta phấn khởi lắm vì đinh ninh ta sẽ được, nhưng xui xẻo lại  tới khi đọc tên người lãnh thưởng lại là người đứng thứ nhì kém ta tới 8 điểm, sau đó mới phát chứng chỉ thì ta thấy chứng chỉ của ta phần xếp loại không có, hỏi lại thì nghe trả lời không có thì là trung bình. Ta thắc mắc nhiêu đó điểm sao xếp loại trung bình thì người ta mới coi lại điểm và thu lại chứng chỉ của ta, rồi sau đó đi làm 1 con dấu loại giỏi để đóng riêng cho mỗi 1 mình chứng chỉ của ta vì nó được viết tay mà người viết ở xa nên không viết được. Ta bị lấy mất tiền thưởng một cách thiệt là dô dziên. Người thân của ta cho rằng chắc tại số ta kỳ cục nên hay bị sao đó, có người còn cho là do trời cho ta nhiều nên trời thử thách ta cũng nhiều cho công bằng. Hihi, ta nghĩ rằng chắc do cái tên ta là lạ nên khi đọc tới tên ta người ta bị phân tán tư tưởng nên làm tầm bậy, còn nếu không thấy tên chắc do chữ viết và nội dung trình bày của ta cũng khác người nên lại bị phân tán tư tưởng, lại làm tầm bậy, chứ chẳng lẽ do ma xúi.

Còn học đại học, lúc đó đói lắm chứ không như bây giờ. Nhớ 1 kỳ thi đá banh giữa các lớp, các bạn nữ làm cả 2 xô nước đá chanh khệ nệ xách lên cổ vũ các bạn nam, hiệp đầu lớp ta thắng. Sau khi nghỉ hiệp 1, các bạn nam vào uống nước chanh, uống lấy uống để  nên đến hiệp 2 thua liểng xiểng, vì no bụng quá chạy đâu cho nổi. hihi. 

Mà cái tật trốn học cũng không chừa, có một buổi học 1 môn tào lao, lớp ta trốn học chắc khoảng trên nữa lớp, dĩ nhiên trong đó có ta. Lần này trốn học vì có 1 lớp đi thực tập trong rừng, tụi ta khoái quá nên đi theo vì lớp ta không có học môn nào mà vào rừng thực tập. Các bạn nữ còn lên sớm giành ghế ngồi trên xe nữa mới kỳ. May mà có ít nữ thôi. 

Có lần học môn đạo đức, thầy giáo đòi bồi dưỡng, lớp ta coi như không biết. Thế rồi đến ngày thi lại, hơn 1 nữa lớp đi thi toàn là ban cán sự lớp cùng mấy gương mặt mà thầy giáo nhớ, haha, hôm thi đó thật vui, cuối cùng cả lớp ta đều đậu hết. Đoàn kết là sức mạnh mà. 

Có mấy bữa ta đi học trễ, vì ngủ dậy trễ. Ta thích ngủ nhất trên đời, một ngày ta ngủ phải 7-8 tiếng mới đã, ít nhất cũng phải ráng 5-6 tiếng. Gửi xe xong nhìn thấy thầy giáo đang trên đường vào lớp của ta, ta cắm đầu cắm cổ chạy, vừa chạy vừa suy nghĩ trong đầu cái câu hỏi gì đó, thật cắc cớ. Ta hay nghĩ lung tung lắm. Đến gần thầy, ta rụt rè nói thầy ơi cho em hỏi cái này chút xíu, thầy giáo liền dừng lại để ta hỏi, rồi thầy giải thích cho ta. Ta siêng đọc sách, đọc báo nên đôi khi có mấy câu hỏi thầy phải suy nghĩ và có lần hẹn lần sau trả lời ta. Thế rồi đến lớp ta cảm ơn thầy và bước vào lớp, vì thầy bao giờ cũng nhường cho ta vào lớp trước. Hihi, nhưng chẳng ai la ta bao giờ, thậm chí đến nay tốt nghiệp đã gần 20 năm mà có thầy giáo còn nhớ ta.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

nấu canh suông

Mùa hè nhớ món canh suông. Không biết người ta nấu như thế nào nhưng ta nấu canh suông lại hơi lắm thứ. Đầu tiên là mướp, nếu có mướp hương càng thơm ngon nhưng bây giờ chỉ thấy đúng một thứ mướp, ăn cũng được chứ biết làm gì bây giờ. Còn có thêm đậu phụ ( tiếng miền trung/nam gọi là đậu hủ), giá, tôm tươi giã nhỏ nếu không có thì thay bằng tôm khô cũng được, và lá hẹ nữa. Nhất thiết phải có lá hẹ, nếu dùng hành ngò thì lại mất ngon, mà hẹ cho nhiều hơn bình thường và không cắt ngắn như hành để nêm mà cắt dài như cắt rau vậy cỡ 2 phân hay dài cỡ nào tuỳ thích. Ta thấy người ta cắt rau ăn mà ngắn cỡ 1 phân ta chẳng thấy thích tí nào, nhìn giống như cho heo ăn vậy, khỏi phải nhai. Thường ta cắt rau dài 2-3 phân, dài quá thì ai múc đầu tiên lợi nhất vì chỉ cần cho vá vào tô canh khoắng 1 cái là múc hết sạch rau trong tô, hihi. Thậm chí nấu canh giá với tôm cũng dùng hẹ sẽ có mùi vị đặc trưng, hấp dẫn hơn dùng hành ngò. Lắt nhắt đủ thứ nhưng chuẩn bị thì mau. Nấu vừa sôi là nhắc xuống liền vì chín quá ăn rất dở. Món này ăn rất mát, đó là do ta cảm thấy vậy chứ không biết người khác ăn cảm thấy như thế nào.

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

thời đại internet

Đọc mail thấy thú vị, đừng vội nghĩ rằng người viết cũng thú vị và thông minh như vậy. Có thể copy đâu đó và paste, việc này rất dễ dàng.

Xem hình thấy thật xinh xắn, dễ thương, đôi khi đó là sản phẩm của photoshop. Hihi, thậm chí nhìn tận mắt sờ tận tay, cũng có thể đó là sản phẩm của 1 thẩm mỹ viện nào đó.

Coi blog thấy những bài viết hay, đừng vội cho rằng của chủ nhân blog. Nhiều người chắc do đãng trí nên chép ở đâu đó mà quên mất việc ghi tên tác giả, nguồn gốc xuất xứ. Thật tội nghiệp, chắc họ bị bịnh gì ở đầu óc đó.

Đọc thấy cách viềt như wên, bùn, chít... đừng vội tra từ điển, coi chừng lại bị hiểu lầm nghĩa. Chẳng sao cả, có những người ăn mặc đẹp, lịch sự, đúng nơi đúng kiểu để thấy rằng ta mặc đẹp, nhưng cũng có những người ăn mặc kỳ quái cũng chỉ để thiên hạ nhìn vào vì ta chẳng có gì đặc sắc cả.

Trên mạng internet, ta không nhìn thấy ai cả, đừng nghĩ rằng không ai thấy ta, bao nhiêu con mắt đang nhìn ngó mỗi bước chân của ta đó. Ta thấy rằng trên mạng ai cũng như mặt bộ đồ trong suốt như nhau, chẳng qua ta không có ghẻ  hay không xinh đẹp cực kỳ nên không ai để ý thôi. Làm người bình thường khoẻ thật đó.

Cần cái gì nhờ bác Google kiếm giùm, nhanh lắm, hehe nhưng đừng vội mừng, hình như bác này  học hơi bị nhiều thứ tùm lum nên  mỗi khi bác đưa ra lời khuyên chi ta cũng phải suy nghĩ rồi lựa chọn, lựa chọn rồi lại suy nghĩ, suy nghĩ rồi lại lựa chọn... lỡ mà chọn bậy rồi đi theo nó là quên cả lối về.

Người ta cư xử chẳng ra làm sao ngoài đời để rồi làm anh hùng trong các trò chơi ảo,  quên chăm sóc đứa con đứt ruột đẻ ra vì bận chăm sóc đứa con ảo, ăn cắp tiền, trốn học để làm anh hùng cứu mỹ nhân trong game ảo. 

Muốn mua 1 mặt hàng nào đó ta chỉ cần nhắp chuột, và ngồi nhà chờ. Hihi, cũng có khi ai đó mua hàng giùm ta, dĩ nhiên tiền trả là từ bóp của ta, và rồi họ xài hàng giùm ta luôn. 

**

Còn tiếp... :)


hù dọa

Mới nghe chuyện về nhân viên ngân hàng lạm dụng tiền vay của khách hàng, nhớ tới 1 chuyện, khá buồn cười. Một người bạn vay tiêu dùng ở 1 ngân hàng, hằng kỳ trả cả lãi lẫn gốc khoảng trên 2 triệu. Có 1 kỳ cô ấy sau khi trả tiền về thì từ ngân hàng gọi điện về báo là ra ngân hàng nộp cho đủ vì thiếu 1 triệu. Cô ấy hỏi ý kiến ta, ta phải dè chừng hỏi rõ ràng rằng em có nhớ chính xác đã trả tiền đủ chứ, nếu lỡ có nộp thiếu ra nộp thêm chứ không thôi tội nghiệp người ta. Cô ấy khẳng định chắc như đinh đong cột là đủ và đúng, tháng nào cũng vậy. Dĩ nhiên phiếu thu thì ghi đủ. Và ta tin vào cô ấy vì hiểu rõ bản tính của cô ấy, nên khuyên rằng đừng nói gì, nếu người ta cần họ sẽ tự động gọi lại, lúc ấy trả lời đã nộp đầy đủ, có chứng từ, biên lai đàng hoàng, vậy thôi, không cần cãi vã, giải thích  làm chi. Hôm sau cô ta lại đến, lúc này có vẻ hoảng hốt : chị ơi, em nói như chị rồi nhưng người ta nói là báo công an bắt vì tội lừa đảo. Ta mắc cười quá, hỏi lại : mà có thiệt là em nộp đủ tiền chứ, sao nó cứ bám em dai như đỉa vậy. Cô ấy khẳng định chắc chắc rằng nộp đủ tiền và còn thề nữa, chẳng qua tâm lý người dân ai cũng sợ dính líu tới công an dù không có tội tình gì. Cô ấy sợ vì nếu làm việc với công an thì mọi người nhìn cô ấy như người có tội. Cô ấy kể  rằng: sáng gọi rồi chiều gọi nữa nhưng mà em đã nộp tiền đầy đủ chứ đâu có gian lận gì đâu. Ta bày cô ấy nếu ngày hôm sau họ có gọi nữa nói báo công an thì em trả lời như vầy : thôi khỏi phải phiền chị nữa, đích thân tôi sẽ mời công an chứ không phải chị vì chị quấy rối cuộc sống của tôi, tống tiền tôi, đe doạ tôi làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi không còn yên tâm làm việc. Số điện thoại của chị tôi có lưu, tôi có ghi âm mấy cuộc chị gọi đến. Chỉ cần nói ngắn gọn, đơn giản vậy thôi. Bẵng đi một thời gian, ta lại thấy cô ta tới thăm, ta sực nhớ hỏi chuyện bữa hổm sao rồi. Cô ấy phấn khởi, khi họ gọi điện thì em trả lời như vậy thì họ cúp máy luôn, sau đó im luôn, em mới đi trả tiền vay kỳ này về đây.  Nói vậy chứ ta cũng hỏi thăm đầu đuôi câu chuyện ở ngân hàng thì lãnh đạo chẳng ai biết gì cả. Khôi hài.

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Thật thà - Nguyễn Duy

Tự dưng nhớ Thật nhớ Thà
nhớ con đường chẳng đi qua bao giờ 

Tự dưng nhớ gió trong mơ
nhớ trăng dát bạc đôi bờ sông Ngân

Tự dưng nhớ chợ Quỉ Thần
vườn Thiên Thai rụng dấu chân trái mùa

Tự dưng nhớ nước chưa mưa
Thật Thà lúc lắc đong đưa Thật Thà

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Đọc

 Trước đây, ta hay đọc sách thậm chí có thể nói là ghiền cũng không sai. Từ lúc biết đọc là ta đã thích đọc, ta đã ngốn không biết bao nhiêu cuốn sách nhỉ. Ngày học tiểu học chắc cỡ lớp lớp 3, lớp 4 ta đã ngốn kho tàng truyện cổ tích Việt nam, bao nhiêu là tập, tập nào tập nấy dày cộm, không có lấy 1 cái hình. Sau đó là truyện của Ấn độ, hihi, ta nhất quyết phải đi du lịch Ấn độ 1 chuyến. Lúc đó truyện dịch từ tiếng Nga nhiều hơn các thứ tiếng khác, có những truyện cực kỳ hay ta nhớ đến tận bây giờ vì đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần hiểu thêm 1 ít. Có lẽ vì vậy ta đọc rất nhanh, thường ta đọc cỡ 1 trang thì người khác đọc khoảng 1/2 hay 2/3 trang thôi nên đọc chung rất chán vì cứ phải chờ, mất cả hứng thú.  Bây giờ thì không có thời gian để đọc, mà cũng có thể là do lười đọc nên đổ thừa chăng. Đọc sách làm người ta có khả năng tưởng tượng rất lớn bởi vì chỉ qua những chữ gói gọn trong hai mươi mấy ký tự mà ta có thể thấy cuộc sống hiện tại muôn hình muôn vẻ, cuộc sống viễn tưởng trong mong ước với những điều thần kỳ, cuộc sống trong quá khứ đầy bí mật. Ngày nhỏ, mỗi khi bị má la, ta đi lên lầu ngồi khóc cho đã rồi vớ 1 cuốn sách nào đó đọc. Những lúc ấy ta hay lục sách danh nhân mà đọc, càng đọc càng thấy họ sao mà giỏi vậy, khả năng đương đầu với khó khăn sao mà phi thường vậy, ta thấy mình nhỏ bé và yếu kém quá, làm ta quên mất nỗi buồn vừa bị má la. Khi lớn lên, cứ khi nào rảnh là ta lại vớ 1 cuốn sách nào đó mà đọc. 

Trẻ con bây giờ thích đọc truyện tranh, dẫn mấy nhóc ra hiệu sách là tụi nó bu vào gian hàng truyện tranh. Ở hiệu sách, trẻ con tập trung nhiều nhất ở gian hàng truyện tranh. Thời ta nhỏ, cũng có truyện tranh nhưng giấy in không đẹp bằng, ta cũng coi truyện tranh nhưng không thích bằng truyện chữ. May ghê. Ta chỉ cho mua truyện chữ chứ không cho mua truyện tranh, ta chỉ cho phép đọc nó ở nhà sách thôi. Thỉnh thoảng ta cũng cho mua 1 cuốn truyện tranh thôi. Vì ép quá trẻ con dễ phát triển tâm lý lệch lạc, gây sự thèm muốn sai lầm, chỉ cần giới hạn tới mức hợp lý. Phải công nhận truyện tranh bây giờ phong phú hơn hồi xưa nhiều, cả truyện chữ cũng vậy, hihi. Việc tìm kiếm thông tin cũng dễ hơn, nhưng việc lựa chọn thông tin thì cũng không dễ chút nào. Chỉ cần lên google search là ra một đống, tả pí lù, thượng vàng hạ cám, nên việc lựa chọn thông tin cũng rất khó khăn. Biết thông tin nào đúng cái ta cần, xác định được độ tin cậy của nó là cả 1 vấn đề. Ngày trước, muốn tìm 1 thông tin nào đó thì đầu tiên phải nghĩ ta có thể kiếm nó ở đâu, như thế nào rồi mới bắt đầu đi kiếm. Có thể vì vậy mà những thế hệ sau này biết nhiều thứ nhưng thứ nào cũng hời hợt. Ta không nói hết cả thảy nhưng nhìn chung là vậy. Đọc những bài viết, những công trình, những luận văn ta thấy ngôn từ phong phú, rất kêu, dữ kiện lập luận nhiều giống như bày hàng trong siêu thị vậy, nhưng nội dung chuyên sâu hay có giá trị thì hiếm hoi. Ta cảm thấy như họ đang trích dẫn của những ai đó chứ không phải những suy nghĩ của họ, y như mục điểm báo vậy, thật buồn. Dĩ nhiên cũng có những người trẻ rất tài, phải nói là cực kỳ tài nhưng khá ít, hihi xưa nay người tài bao giờ cũng ít mà, và người ta dễ nhầm lẫn giữa những người này với những người tưởng như tài năng hơn hồi xưa vì những người tưởng như là tài năng này nhiều hơn hồi xưa. Giống như hàng hoá ngày nay vậy, thật giả khó lường. Nói lan man, một kinh nghiệm mua hàng trực tiếp để tránh hàng giả : thường hàng hoá chất lượng cao có hình dáng kích thước sắc sảo, bo góc vuông/tròn đều rất chuẩn, cạnh giáp mí thường có kẽ hở rất nhỏ, chất liệu làm thường đảm bảo, không có mùi hôi hay mùi rất ít, thường hàng dỏm kiểu dáng rườm rà hơn nhiều. Nhất là hàng Mỹ, Âu thường có catalogue, giấy tờ đi kèm nhiều, hàng giả thì ít có ba cái thứ này. Nói chung là nhìn hàng sắc sảo đến từng chi tiết :) . Ngoài ra còn xem thêm người bán hàng, thường nơi bán hàng đàng hoàng, chất lượng đảm bảo thì nhân viên bán hàng thường có phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, hiểu biết về mặt hàng nhiều hơn, sự quan tâm chăm sóc khách hàng cũng tốt hơn. Cũng khó, những người ít mua sắm và kinh tế hạn hẹp thường dễ bị lừa nhất, vì nhìn hời hợt bên ngoài rất dễ bị lầm và vì ít xài hàng tốt nên không có cảm giác. Giống như teller ở ngân hàng đếm tiền nhiều nên nhìn hay khi đếm bằng tay chỉ cần rờ vào tờ tiền là có cảm giác ở mức độ nào đó tờ tiền thiệt hay giả, tuy vẫn kiểm tra qua máy móc. Khi đếm tiền lúc đầu không quen nên tập trung mọi " tinh lực" vào đầu ngón tay để cảm giá được độ nhám của tờ tiền, tập trung nhìn để cảm nhận màu sắc, hoa văn của nó, sau dần dần quen thì không cần phải tập trung tinh thần như vậy cũng thấy được. Khi chưa có ai bảo vệ người tiêu dùng theo đúng nghĩa của nó thì ta phải tự lo chứ sao, biết kêu ai bây giờ.

Đọc cũng là một cách học, đi chơi cũng là một cách học luôn. Đâu chỉ có học ở trường lớp còn học từ ngoài đời mà học ngoài đời thì nhiều hơn học trong trường lớp. Sách vở chính là 1 người thầy, một người thầy giỏi mà rất khó tính, mà có khi còn khó chịu nữa.

**

Đầu óc con người là cái bình chứa khổng lồ, nó chứa được hàng trăm, hàng vạn, hàng triệu, hàng tỉ thứ bà dằn. Nó cũng là bộ xử lý thông tin tuyệt vời. Kiếm đâu ra một thiết bị vừa có khả năng xử lý vừa có sức chứa như vậy nhỉ?

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Ôi, ta muốn cứ mơ mãi đừng tỉnh lại, haha

Lạm phát là trước đây bạn cầm 1 nắm tiền ra "chợ" mua được thùng đồ, còn bây giờ bạn mang 1 thùng tiền ra "chợ" mua được 1 nắm đồ.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Đã viết lung tung như vầy

chỗ tối nhất là dưới ghế ta ngồi, cái ta không thấy là cái gáy của ta, giọng ta thấy quen nhất là giọng của ta, hihi, nên ta dễ chết nhất vì những lời nịnh bợ, vì chẳng có cái gì cho không.
**
Ta sống cuộc đời của ta chứ ta đâu sống giùm ai mà cũng chẳng ai sống cuộc đời của ta. **
Cuộc sống đôi khi có những ngã rẽ bất ngờ thình lình xuất hiện trước mặt. 
**
Một ngày 24 giờ có lúc thấy trôi thật chậm nhưng có lúc chạy như tên bắn. 
**
Sống cho trọn vẹn kiếp này thì đâu cần mơ tưởng hoài đến kiếp sau.
**Chỉ có thiên tài mới phát hiện ra thiên tài, những cán bộ nào mà không biết làm gì thì được phân công làm cán bộ tổ chức, nhân sự, vậy kiếm đâu ra hiền tài bây giờ.

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

thủ đô

Ta thăm Hà nội chỉ 1 lần vào đúng dịp thu, là mùa mà mọi người khen là đẹp nhất, nhưng không biết khi nào ta lại ra nữa nhỉ?

Giọng nói, ai cũng khen giọng Hà nội chuẩn, ta cũng thấy vậy nhưng không thích lắm. Có thể là do phát âm theo kiểu nhiều phụ âm rít nên nghe cứ thấy chát chát nếu nói 1 cách nặng nề là có vẻ chanh chua hay sao đó, ta thấy chỉ hợp với giọng nam nghe trầm và ấm, còn giọng nữ thì giọng miền trung hay miền nam nghe nhẹ nhàng, dễ thương hơn. Nhớ tới chuyện đứa cháu gái xưa kia, khi bé vào lớp 1 ta năn nỉ anh chị cho bé vào học lớp song ngữ tiếng Pháp vì sau này nó cũng phải học tiếng Anh ( dĩ nhiên rồi) nên sẽ biết 2 thứ tiếng và cái chính là giọng nói có thể không chuẩn lắm nhưng nghe dễ thương hơn vì nhè nhẹ hơn. Cái chuyện ưa hay không ưa là thuộc về cảm tính chứ hỏng phải lý trí nên không thể giải thích được.

Ăn, buổi sáng ta đi ăn phở ở một quán gần nhà người bà con, ăn xong không có miếng nước, thật tình ta thấy sốc. Quê ta, người ta có nói: ăn xong mà nó không cho 1 miếng nước để nuốt trôi, thiệt là cái kiểu không biết ăn biết ở, nghĩa là người đón tiếp, mời ăn vụng về mà cũng có khi là người ăn bị coi thường. 

Đi ngang kem Tràng tiền, thấy nhiều người lớn vào mua rồi đứng ăn ta thấy lạ lùng, dù người ta nói rằng kem rất ngon và rất rẻ ta cũng không thử. Nếu mà chỉ toàn là trẻ con ăn ở đó thì ta không thấy lạ, đằng này người lớn cũng thật nhiều. Có ngon đến mấy mà ăn uống kiểu đó thì không biết có ngon không nhỉ? hay là ta khó tính quá.

Miếng ăn, ta nhớ tới món chả giò hay nem rán. Ở nhà người bà con làm nem rán, cuốn nào cuốn nấy thật là to, ta ráng ăn cho thật mau vì nếu ăn không mau không nuốt nổi vì to quá thấy phát sợ. Vậy mà mọi người thấy ta ăn nhanh tưởng ta thích nên thi nhau gắp bỏ vào chén cho ta, ta ráng gồng mình lên ăn mặt ráng tươi như hoa :) , bây giờ vẫn còn cảm giác. Hihi, vì trong này cuốn nem nhỏ có thể bỏ lọt vào miệng từng cuốn hay một cuốn ăn cỡ 3 miếng là hết cỡ, thường là 2 miếng, ăn vừa đủ, ít ngán hơn.

Xỉa răng, cái chuyện này hỏng dám khẳng định lai lịch nhưng ta thấy ở đó cũng có không ít. Một số  người ăn xong rồi cầm 1 vài cây tăm đi ra khỏi quán rồi bắt đầu xỉa răng, ta thấy ghê ghê. Hỏng hiểu họ nghĩ gì, họ cảm thấy gì khi làm cái đó há, chắc muốn cho thiên hạ thấy là ta cực kỳ vệ sinh. Nhớ lần đi công tác, sau khi ăn là lên xe đi có 1 chị ngồi cạnh ta lấy cây tăm ngồi trên xe xỉa xỉa, ta khiếp quá nhưng biết nói sao đây, chỉ né né qua 1 chút, ngồi mà sờ sợ nếu chị phấn khích quá phun một phát thì hỏng biết nó văng lên đâu của cơ thể ta, may quá là không có chuyện gì xảy ra.

Hà nội còn có một cái mà ta rất thích, đó là sấu. Hehe, thuộc hệ ham ăn nên nhớ nó. Sấu Hà nội có hương vị khá đặc biệt dù ăn chơi hay nấu canh. Ăn rồi là nhớ, ăn thêm là nhớ mãi. Nhớ tới sấu vì người quen mới đi Hà nội về mang quà là 1 hộp sấu. 

Nhớ năm 76, lúc ấy ông bà ta từ ngoài Hà nội vào, thấy nhà ta anh chị em nhỏ và đông nên có ý định dẫn ta ra ngoài đó nuôi. Hihi, may mà má ta không cho đi nếu không sung sướng quá có khi ta hư cũng nên, vì ông bà là cán bộ gì đó. 

**

Bữa nào rảnh viết tiếp